Giấy carton là loại giấy có cấu tạo ít nhất 2 lớp với 1 lớp sóng định hình và 1 lớp giấy phẳng. Hiện nay trên thị trường đang sử dụng các loại giấy carton thông dụng sau:

  • Giấy carton 2 lớp : bao gồm một lớp giấy phẳng được dán với một lớp giấy được định hình thành sóng hay gọi là tấm sóng hai lớp. Loại tấm carton này sử dụng để bọc hoặc đệm chèn các sản phẩm nội thất. Lớp sóng đơn mặt này không được sử dụng để sản xuất thùng.
  • Giấy carton 3 lớp : là tấm sóng đơn được làm từ hai lớp mặt giấy và một lớp sóng định hình ở giữa. Loại giấy này thường được dùng làm bao bì đóng gói cho các mặt hàng không hoặc ít bị biến dạng về ngoại hình sản phẩm (vd: thùng bia, thùng nước đóng chai…..), hay đóng gói các sản phẩm có thể tích nhỏ, trọng lượng thấp (vd: hộp giày dép, thùng mì gói….)
  • Giấy carton 5 lớp : là tấm sóng đôi được làm từ hai lớp mặt giấy, hai lớp sóng định hình và một lớp giấy ở giữa. Loại giấy này thường được dùng làm bao bì đóng gói cho các sản phẩm có trọng lượng lớn (thường là trên 20kg), dễ vỡ (vd: gốm sứ, hàng mỹ nghệ, tivi….), hàng hóa chịu sự va đập nhiều trong quá trình vận chuyển (vd: vận chuyển bằng cont, chành xe, hàng xuất khẩu….)
  • Giấy carton 7 lớp : là tấm giấy sóng được làm từ ba lớp sóng định hình và 4 lớp giấy phẳng. Loại giấy này thường được sử dụng để làm thùng trái cây xuất khẩu hoặc đóng gói các sản phẩm nặng mà giấy carton 5 lớp không thể đảm nhận được.

Cùng một loại giấy carton 3-5-7 lớp nhưng độ cứng (khả năng chịu lực) của mỗi loại giấy rất khác nhau, phụ thuộc vào 2 yếu tố : (1) định lượng giấy và (2) kích cỡ sóng giấy:

  1.  Định lượng giấy : Khi xác định mật độ khối lượng theo diện tích của vật liệu mỏng, người ta dùng khái niệm định lượng. Định lượng giấy được định nghĩa bằng khối lượng của tấm vật liệu giấy đó với diện tích của một đơn vị diện tích chuẩn. Nó được đo bằng thương số giữa khối lượng vật liệu trên một đơn vị đo diện tích (ví dụ theo đơn vị đo g/m² tức gsm). Với mỗi định lượng giấy khác nhau sẽ sản xuất ra những loại thùng carton có chất lượng khác nhau, phù hợp với những mục đích sử dụng khác nhau. Định lượng giấy càng cao sẽ tạo cho thùng khả năng chịu lực càng cao, nhưng đồng thời cũng làm cho thùng có trọng lượng và giá thành tăng lên theo tỉ lệ thuận.
  2. Cấu trúc sóng giấy được quy định bằng các chữ cái A,B,C,E theo mô tả trong hình sau :

Giấy carton sóng A chịu lực phân tán tốt nhất trên toàn bộ bề mặt tấm giấy do có chiều cao sóng giấy cao nhất. Giấy carton sóng B cho bề mặt phẳng tốt nhất do số lượng sóng nhiều hơn 50% so với sóng A và 25% so với sóng C, và là loại giấy chịu được lực xuyên thủng cao. Trong khi đó, giấy sóng C chính là sự kết hợp ưu điểm của 2 loại giấy sóng A và B, giúp tối ưu khả năng chịu lực phân tán và lực xuyên thủng. Giấy carton sóng E là loại giấy mỏng nhất trong các loại sóng, không có độ đàn hồi, thường được dùng để làm hộp cho các sản phẩm có trọng lượng nhẹ đến rất nhẹ, hoặc dùng để đựng các sản phẩm không có yêu cầu về độ chịu lực.

Để tối ưu hóa khả năng chịu lực, khi làm thùng carton người ta có thể sử dụng loại sóng đôi (giấy 5 lớp) với sự kết hợp của 2 loại sóng khác nhau để có thể phát huy hết các ưu điểm của sóng giấy, như là sóng BC đáp ứng khả năng chịu lực cao nhưng thùng không quá dày, hoặc sử dụng sóng AC sẽ cho khả năng chịu lực tối ưu, bảo vệ tối đa các sản phẩm đựng bên trong trước các va đập hoặc lực nặng tác động lên trên bề mặt thùng.

ƯU/NHƯỢC ĐIỂM CỦA GIẤY CARTON Ưu điểm của thùng làm từ giấy carton là :
  • Giá thành tương đối rẻ.
  • Trọng lượng nhẹ.
  • Chịu lực nén, độ bục tốt.
  • Kiểu dáng, mẫu mã đa dạng.
  • Hỗ trợ nhiều kiểu lắp ráp (đóng ghim, dán, gài).
  • Khi không cần sử dụng nữa thì có thể xếp lại thành hình phẳng hơn, lưu giữ lại sử dụng lần sau không tốn diện tích lại tiết kiệm chi phí.
  • Dễ dàng phân hủy sinh học, có thể tái chế, thân thiện với môi trường.
Nhược điểm của thùng làm từ giấy carton là :
  • Chất lượng giảm dần theo thời gian lưu trữ, sử dụng.
  • Kỵ nước và kỵ lửa.